Bình thường, ở trẻ nhỏ “bao da” vẫn bọc ngoài phần đầu dương vật mà không cản trở việc đi tiểu. Nhưng đến 1-2 tuổi, phần đầu này vẫn không lộ ra là bị hẹp bao quy đầu.
Khi mới sinh, đa số trẻ có tình trạng hẹp bao quy đầu sinh lý, tức là bao quy đầu không kéo tuột xuống được, do có tình trạng dính tự nhiên giữa bao và quy đầu. Trong 3- 4 năm đầu, do dương vật lớn dần lên, lớp bề mặt da (gọi là thượng bì) bong ra, tích tụ lại thành chất bợn nằm bên dưới da quy đầu, giúp bao tách dần khỏi quy đầu. Nhờ những lần dương vật cương khi buồn tiểu, khi ngủ mà bao quy đầu tự tuột hẳn xuống được. Khi trẻ được 3 tuổi, 90% bao quy đầu tuột xuống được. Chỉ có dưới 1% người lớn trên 16 tuổi là bao quy đầu bị hẹp thật sự.
Theo thống kê, có tới 45% số trẻ ở độ tuổi mẫu giáo bị hẹp bao quy đầu. Rất nhiều trẻ bị nhưng cha mẹ ít để ý đến khi con còn nhỏ. Đến tuổi trưởng thành và lập gia đình, không ít người đã không có được hạnh phúc làm chồng, làm cha trọn vẹn. Thậm chí, khi đã hiểu về bệnh, nhiều thanh niên cũng không đi khám để phẫu thuật vì xấu hổ. Đáng lưu ý, 90% số ca ung thư dương vật hiện nay bắt nguồn từ tình trạng này.
Hẹp bao quy đầu làm cho nước tiểu đọng lại, dương vật phồng lên, một lát sau mới chảy ra hết. Bao quy đầu hay bị viêm với triệu chứng sưng đỏ, mọng nước. Chất tiết đọng lại thành hạt, mảng trắng, sờ vào như hạt đậu hoặc vòng nhẫn cứng ở đầu dương vật. Khi trưởng thành, hẹp bao quy đầu làm cho đau khi dương vật cương cứng, có khi lại không cương cứng được.
Nếu không được phẫu thuật, việc vệ sinh sẽ không thể sạch sẽ. Sự tích tụ các chất bẩn trong nước tiểu và dịch nhầy của đường tiết niệu đọng ở nếp da quy đầu là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển nhanh chóng. Lâu dần thành viêm đường tiết niệu, ảnh hưởng tới thận, gây khó khăn trong quan hệ tình dục sau này và dẫn tới ung thư dương vật.
Vệ sinh bao quy đầu không đúng cách sẽ gây viêm nhiễm cho trẻ. Vì thế, khi tắm, cha mẹ nên rửa và lộn bao quy đầu cho trẻ. Nếu thấy khó lộn hoặc bao quy đầu bị dính lại thì nên đi khám để được chẩn đoán chính xác. Việc xử lý hẹp bao quy đầu ở trẻ khá đơn giản, chỉ cần cắt chỗ chít hẹp ở quy đầu và cần thực hiện càng sớm càng tốt (1-2 tuổi), muộn nhất là trước tuổi dậy thì. Bởi nếu để quá tuổi trưởng thành mới can thiệp, bao quy đầu sẽ khó bóc tách hết, chưa kể những trường hợp đã có biến chứng xơ chai hoặc ung thư.
Hẹp bao quy đầu không gây vô sinh vì tinh dịch vẫn qua lọt, nhưng dễ bị nhiễm trùng bao và đường tiểu.
Ở trẻ nhỏ, nếu thấy trẻ bị bí tiểu, hay cháu khi tiểu thì khóc thét và bao quy đầu căng phồng như bong bóng thì có thể cháu bị hẹp bao quy đầu thật sự, khi đó bố mẹ cần đưa đến bác sĩ khám. Trẻ đã 4-5 tuổi mà bao quy đầu chưa tuột xuống được thì có thể bôi kem có corticosteroid (0,1% dexamethasone) vào đó, 2-3 lần mỗi ngày, trong khoảng 4-6 tuần thì hai phần ba số trường hợp bao quy đầu bong ra, tuột xuống được. Trẻ 7-8 tuổi mà bao quy đầu chưa tuột được và bôi thuốc không kết quả, nhất là khi tiểu có hiện tượng bao căng phồng như bong bóng hay trẻ thường bị viêm bao quy đầu, thì nên phẫu thuật cắt.
(Theo Sức khỏe và Đời sống)